Lễ Hội Cầu Ngư - Nha Trang
Nha
Trang không chỉ được thiên nhiên ưu ái cho một bờ biển dài đầy cát trắng và những
món ăn đặc sản nổi tiếng, mà ở đây hàng năm còn có rất nhiều lễ hội truyền thống
hấp dẫn như lễ hội Tháp Bà, lễ hội Am
Chúa, lễ hội đình làng. Và đặc biệt khi đã đến Nha Trang quý khách không thể bỏ
qua một lễ hội đặc trưng nhất của người dân vùng biển cả nước nói chung và tỉnh
Khánh Hòa nói riêng, đó là lễ hội Cầu Ngư, một lễ hội dân gian quan trọng đối với
cư dân ven biển, những người quanh năm thả lưới vượt khơi, lênh đênh trên biển.
Năm 2012 lễ hội Cầu Ngư đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc
Gia. Lễ hội bắt nguồn từ tục thờ ông Nam Hải với khát vọng về một cuộc sống ấm
no hạnh phúc và ước mơ biển khơi gió lặng sóng yên để tàu bè tôm cá đầy khoan.
Thưa quý khách, ông Nam Hải ở đây chính là tên gọi mà người dân kính trọng dành
cho Cá Voi, theo tín ngưỡng của cư dân vùng biển thì cá voi chính là thần Nam Hải,
quý khách có biết vì sao không?
Theo
truyền thuyết của dân chài, thì tục thờ cá Ông bắt nguồn từ chuyện một chàng sĩ
tử bị thầy đồ rút gươm chém đầu và hoá thành cá voi, suốt bốn mùa bơi trên biển
để cứu người bị nạn. Còn sự tích nhà Phật kể rằng, một hôm Phật Bà Quan Âm tuần
du trên biển Đông, thấy dân lành đói khổ, thường xuyên phải ra biển kiếm ăn
trong điều kiện mưa gió bão bùng, tính mạng có lúc bị đe doạ... Động lòng
thương, Phật Bà đã xé vụn chiếc áo cà sa của mình, quăng xuống biển, biến thành
vô vàn con cá voi. Cùng với bộ xương voi và “phép thâu đường” (phép rút ngắn đường
đi) đã được Phật Bà ban cho, cá voi làm nhiệm vụ cứu người giữa bão tố. Cá Ông
thường được phong với các thần hiệu như: “Đông Hải cự tộc ngọc lân tôn thần”,
“Nam Hải Đại Nam tướng quân”... Ở Nha Trang có rất nhiều nơi thờ cúng cá Ông
như Cù Lao, Xương Huân và đặc sắc nhất phải kể đến khu vực Cửa Bé - Vĩnh Trường.
Về thời gian mở lễ hội cá Ông thì không có ngày thống nhất chung, mà mỗi nơi tuỳ
thuộc vào ngày cá Ông đầu tiên luỵ hoặc ngày nhận sắc vua phong. Lễ hội này được
tiến hành, coi như một hình thức “giỗ ông” vậy. Lễ hội Cầu Ngư tại Cửa Bé, Vĩnh
Trường thường được tổ chức vào ngày 11/2 âm lịch hàng năm gồm có 2 phần là phần
lễ và phần hội, phần lễ gồm các nghi lễ cúng tế như : Lễ Nghinh Thần Nam Hải
(đón thần Nam Hải), Lễ Tế Tiền Hiền, Lễ Tế Ông Nam Hải, Lễ Rước Sắc, Lễ Chánh Tế.......
tiếp sau nghi lễ là phần hội với những tiết mục văn nghệ và trò chơi dân gian.
Lễ
hội cầu ngư bắt đầu bằng lễ nghinh thần Nam Hải, từ sáng sớm các thuyền được
trang trí rực rỡ, sắp xếp ngay ngắn chuẩn bị ra biển, trên thuyền có một đội
múa từ 8 - 16 người với với trang phục xanh đỏ bắt mắt và dụng cụ biểu diễn là
mái chèo, họ múa theo nhịp hò của người chỉ huy, các thuyền ngư dân khác cũng
đi theo xem. Ra đến cửa biển người chủ trì khấn vái lễ tế đón ông Nam Hải trên
1 chiếc kiệu nhỏ có bài vị sẵn, sau đó thuyền lễ quay đầu về đưa ông Nam Hải về
đền.
Lễ
tiền hiền tế ông Nam Hải, khi thuyền cập bờ, đội rước kiệu đưa kiệu Ông xuống
cho người dân theo rước lễ. Tại đền ông Nam Hải, lễ tế lễ đọc văn và biểu diễn
Bá Trạo kéo dài trong không khí linh thiêng. Hát bả trạo là gọi theo hình thức
diễn xướng. Bả là cầm nắm, Trạo là mái chèo. Trong hát bả trạo, lời hát và động
tác múa diễn tả lại quá trình đi biển từ lúc thuyền ra khơi đánh cá cho đến lúc
về bến.
Về
phần hội, khi kết thúc lễ cầu ngư là buổi tiệc nhỏ ngay tại sân đền thờ ông Nam
Hải như một cách chia sẻ niềm vui với các ngư dân, hoạt động không thể thiếu được
trong lễ hội cúng cá Ông là đua thuyền, lắc thúng chai, giã gạo, đấu võ cổ truyền,
đi cà kheo, kéo co, bóng chuyền, đá bóng cùng những hoạt động văn nghệ dân gian
như hát dân ca, hát hò khoan...…
Nằm
trong dòng chảy của tín ngưỡng thờ thần biển nước ta, lễ hội cầu ngư có những
nét độc đáo riêng, góp phần bảo lưu các giá trị văn hoá truyền thống, nét đẹp của
phong tục, các loại hình diễn xướng dân gian, tinh thần đoàn kết cộng đồng. Lễ
hội cầu ngư là loại hình sinh hoạt văn hoá dân gian cần được bảo tồn và phát
huy để gìn giữ cho đời sau.
No Comment to " Lễ Hội Cầu Ngư - Nha Trang "